Visa là gì? Thủ tục xin visa theo quy định của pháp luật hiện hành

Visa là gì? Thủ tục xin visa theo quy định của pháp luật hiện hành

Nếu xuất cảnh nhiều hẳn bạn đã nghe tới thuật ngữ visa. Vậy visa là gì? Thủ tục cấp visa cho người muốn đi nước ngoài được pháp luật quy định như thế nào?

Visa là gì?

Visa (còn gọi là thị thực hay thị thực nhập cảnh) là một con dấu trong hộ chiếu thể hiện rằng một cá nhân được phép nhập cảnh vào một quốc gia. Bên cạnh đó, có một số quốc gia không đòi hỏi phải có visa trong một số trường hợp, thường là kết quả thỏa hiệp giữa quốc gia đó với quốc gia của người muốn cấp visa.

Phân loại visa

Có 2 loại visa chính gồm visa di dân và visa không di dân.

Visa di dân: Dùng để nhập cảnh và định cư tại một nước theo các diện như cha mẹ bảo lãnh con cái, diện vợ chồng…

Visa không di dân: Dùng nhập cảnh một nước trong 1 khoảng thời gian cho phép, tạm thời gồm các loại sau:

– Du lịch

– Công tác, làm việc.

– Kinh doanh.

– Điều trị, chữa bệnh.

– Lao động thời vụ.

– Học tập.

– Các chương trình trao đổi.

– Ngoại giao, chính trị.

Thủ tục cấp visa như thế nào?

Mỗi quốc gia thường có các điều kiện cấp visa khác nhau. Chẳng hạn như thời hạn hiệu lực, khoảng thời gian có thể lưu lại. Thường thì visa hợp lệ cho nhiều lần nhập cảnh (tùy theo điều kiện) nhưng có thể bị thu hồi vào bất cứ lúc nào và với bất kỳ lý do gì.

Visa có thể được cấp trực tiếp; hoặc thông qua đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của quốc gia đó, đôi khi thông qua một cơ quan chuyên môn, công ty du lịch có sự cho phép của quốc gia phát hành. Nếu không có đại sứ quán hoặc lãnh sự quán ở nước mình; đương đơn phải đến một quốc gia thứ ba có các cơ quan này.

Về thủ tục cấp visa, tùy vào mỗi nước hoặc vùng lãnh thổ sẽ có nhưng quy định riêng. Bạn có thể liên hệ với Đại sứ quán nước nhập cảnh hoặc;các dịch vụ hỗ trợ làm visa để hỏi thủ tục chi tiết.

Hồ sơ xin cấp visa?

Đơn xin cấp visa

Đơn xin cấp visa là văn bản đầu tiên cần có trong danh sách làm visa cần những giấy tờ gì. Đây là tờ khai thể hiện ý chí và mong muốn của đương đơn đối với cơ quan có thẩm quyền.

Tại đây, người nộp đơn sẽ phải điền các thông tin cơ bản như:

  • Thông tin cá nhân;
  • Thông tin về chuyến đi
  • Thông tin công việc;
  • Thông tin tài chính;
  • Loai visa cần xin cấp…

Sau cùng, người nộp đơn thường sẽ phải cam kết và ký tên vào phần cuối của văn bản.

Cơ quan có thẩm quyền chủ yếu căn cứ vào tờ khai này để thực hiện việc cấp visa. Các loại giấy tờ khác trong hồ sơ chỉ có nhiệm vụ chứng minh các thông tin đã ghi nhận là đúng và trùng khớp.

Đơn xin cấp visa thường được trình bày theo mẫu có sẵn, do cơ quan có thẩm quyền của nước phát hành visa cung cấp. Ví dụ như của Việt Nam là mẫu NA1, của Hoa kỳ là Mẫu DS-160, Trung Quốc là V.2013,…

Hộ chiếu

Hộ chiếu (hay còn gọi là Passport) có thể ví như chứng minh thư của bạn khi ở nước ngoài. Và thường visa sẽ được dán ngay lên hộ chiếu (trừ trường hợp cấp rời). Bạn sẽ phải xuất trình hộ chiếu khi nhập cảnh hoặc xuất cảnh ở bất kỳ quốc gia nào.

Ảnh

Ảnh là thứ luôn cần có trong mọi hồ sơ. Ý nghĩa của nó không có gì khác là để nhận dạng người được cấp visa. Để có thể phục vụ mục đích đó, ảnh thường phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định. Ví dụ như phải được chụp gần nhất trong bao nhiêu tháng, không đeo kính đen, mắt nhìn thẳng, không đội mũ,…

Ảnh sẽ được dán vào tờ khai và trên visa cấp rời.

Sau đây là các loại giấy tờ chứng minh những thông tin mà bạn đã khai ở đơn xin cấp visa:

Giấy tờ thông tin cá nhân

Xác nhận lại những thông tin cá nhân mà bạn đã cung cấp cũng như lý lịch tư pháp của bạn. Ví dụ như chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân,…

Giấy tờ về thân nhân

Cung cấp rõ thêm các thông tin về bạn, những người thân trong gia đình có thể liên hệ trong trường hợp bất ngờ xảy ra.

Các loại giấy tờ này có thể là:

  • Sổ hộ khẩu;
  • Giấy chứng nhận độc thân;
  • Giấy đăng ký kết hôn

Giấy tờ chứng minh công việc

Việc chứng minh công việc thường được gộp với chứng minh tài chính. Mục đích của những giấy tờ trong mục này là khai báo cho cơ quan có thẩm quyền về nghề nghiệp, chức danh, vị trí làm việc của bạn.

Theo đó, giấy tờ chứng minh công việc thường là các loại giấy tờ sau:

  • Hợp đồng lao động;
  • Quyết định bổ nhiệm;
  • Thang lương, bảng lương, bậc lương,…

Tại sao cơ quan cấp thị thực lại cần biết công việc của bạn? Đó là đảm bảo các thông tin khác của bạn là chính xác và hợp lý. Bao gồm cả mục đích nhập cảnh, khả năng tài chính cũng như những lý do chính trị khác.

Giấy tờ chứng minh tài chính

Chứng minh tài chính là việc làm khá phổ biến khi thực hiện xin visa. Hiểu đơn giản là bạn sẽ cho cơ quan cấp visa thấy được tiềm lực tài chính của bạn mạnh đến đâu. Điều này có hai ý nghĩa. Một là bạn có khả năng chi trả các khoản chi phí trong chuyến đi. Hai là bạn không trốn ở lại quốc gia đó khi hết thời gian lưu trú. Tức là có đi, có về.

Các giấy tờ chứng minh tài chính có thể kể đến như:

  • Tài khoản tiết kiệm đã gửi được một thời hạn, có một số tiền nhất định. Số tiền này phụ thuộc vào yêu cầu của từng quốc gia.
  • Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với các tài sản khác: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe ô tô,…
  • Bảng lương,…

Một điều ai cũng thừa nhận là tài chính của bạn càng mạnh, cơ hội được cấp visa càng cao.

Giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh

Mục đích nhập cảnh là một thông tin quan trọng bạn cần điền trong đơn xin cấp visa. Ví dụ như du lịch, công tác, thăm thân hay học tập,… Mục đích nhập cảnh cũng là tiêu chí để phân loại visa. Từ đó quyết định các loại giấy tờ trong hồ sơ như đã nói ở trên.

Tùy vào mục đích nhập cảnh mà bạn sẽ phải chuẩn bị giấy tờ và hồ sơ sao cho phù hợp. Bạn có thể tham khảo thêm hướng dẫn từ Đại sứ quán, Lãnh sứ quán. Để nắm rõ hơn những thứ bạn cần cung cấp ứng với yêu cầu của Đại sứ quán, hãy tư duy theo hướng sau: Bạn sẽ những gì và có gì chứng minh điều đó?

Giả sử bạn nhập cảnh với mục đích du lịch, bạn sẽ cần:

  • Di chuyển đến nơi du lịch: đặt chỗ máy bay
  • Hoạt động du lịch: đặt chỗ khách sạn, lịch trình di chuyển, tham quan.

Còn nếu bạn nhập cảnh với mục đích công tác, có thể bạn sẽ cần:

  • Quyết định cử đi công tác;
  • Thư mời của đối tác bên nước ngoài

Giấy tờ khác

Bảo hiểm hoặc một số giấy tờ khác trong trường hợp đặc thù.

Trên đây là bài viết về khái niệm thị thực (visa) Lawkey gửi tới bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.