Thuế khoán là gì? Những điều cần biết về thuế khoán mới nhất

Thuế khoán là gì? Những điều cần biết về thuế khoán mới nhất

Bài viết sau đây của công ty dịch vụ kế toán Lawkey sẽ giúp các bạn hiểu hơn về thuế khoán, đối tượng phải nộp thuế khoán, phương pháp tính thuế và các vấn đề khi áp dụng thuế khoán. Bởi vì nhiều người có ý định thành lập công ty hay là hộ kinh doanh nhưng lại không biết rằng mình phải nộp những loại thuế nào sau khi mở. 

1. Khái niệm về thuế khoán

Thuế khoán hay còn gọi là thuế trọn gói, thuế theo đầu người là một loại thuế có giá trị cố định đánh vào tất cả các cá nhân. Loại thuế này buộc mỗi cá nhân phải nộp cho chính phủ một khoản tiền như nhau không phân biệt khả năng thu nhập, tích lũy, tiêu dùng…của họ.

2. Đối tượng nộp thuế khoán

Đối tượng nộp thuế khoán và loại thuế áp dụng theo phương pháp khoán bao gồm:

2.1. Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh hoặc khai thác tài nguyên nộp thuế theo phương pháp khoán (gọi chung là Hộ nộp thuế khoán) 

– Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh không đăng ký kinh doanh hoặc thuộc đối tượng không phải đăng ký kinh doanh không đăng ký thuế và không thực hiện đăng ký thuế theo thời hạn đôn đốc đăng ký thuế của cơ quan thuế.

– Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ.

– Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh không thực hiện đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ dẫn đến không xác định được số thuế phải nộp phù hợp với thực tế kinh doanh.

– Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh khai thác tài nguyên thủ công, phân tán, lưu động, không thường xuyên.

2.2. Loại thuế áp dụng theo phương pháp khoán 

Thuế giá trị gia tăng.

Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thuế thu nhập cá nhân.

Thuế tài nguyên.

– Phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

3. Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán

Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán được thực hiện như sau:

3.1. Nguyên tắc áp dụng

– Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (sau đây gọi là cá nhân nộp thuế khoán) là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

– Đối với cá nhân nộp thuế khoán thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm.

– Cá nhân kinh doanh là đối tượng không cư trú nhưng có địa điểm kinh doanh cố định trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện khai thuế như đối với cá nhân kinh doanh là đối tượng cư trú.

3.2. Căn cứ tính thuế

Căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.

  • Doanh thu tính thuế

Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.

Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

  • Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu

Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề như sau:

– Phân phối, cung cấp hàng hóa: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 1%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%.

– Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 5%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 2%.

– Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 3%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1,5%.

– Hoạt động kinh doanh khác: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 2%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%.

Trường hợp cá nhân kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì cá nhân thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

  • Xác định số thuế phải nộp

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

4. Các vấn đề khi áp dụng thuế khoán

Khi áp dụng một loại thuế vào trong đời sống thực tế cũng sẽ gây không ít thuận lợi và khó khăn. Vậy những thuận lợi và khó khăn đó là gì?

4.1. Thuận lợi

Thuế khoán rất dễ tính toán, quản lý do đó chính phủ tiêu tốn ít chi phí để thu thuế hơn và giảm thiểu được gian lận thuế vì nó đơn giản chỉ là một số tiền cố định đánh vào tất cả các cá nhân (tất nhiên có trường hợp một số cá nhân có thể được miễn thuế ví dụ người có thu nhập quá thấp hay tàn tật, mất khả năng lao động….).

4.2. Khó khăn

Thuế khoán vi phạm nguyên tắc công bằng dọc vì mọi cá nhân đều phải nộp thuế bằng nhau không phân biệt mức thu nhập của họ, ảnh hưởng của thuế khoán đến các cá nhân có mức thu nhập khác nhau cũng khác nhau và dĩ nhiên đối với người thu nhập thấp thì ảnh hưởng rất lớn.

Do vậy thuế khoán gặp phải sự phản đối của người đóng thuế, đặc biệt là người đóng thuế có thu nhập không cao, nó chỉ khả thi khi mức thuế đủ nhỏ và khi đó số tiền thuế mà chính phủ thu được cũng không nhiều. Hơn nữa thuế khoán dường như đánh vào sự tồn tại của con người, người đóng thuế sẽ cảm thấy rằng sự tồn tại của bản thân bị chính phủ sở hữu.

Trên khía cạnh khác, mặc dù mỗi cá nhân đóng thuế với mức giống nhau nhưng những gì họ nhận lại được từ chính phủ lại khác nhau. Chính vì vậy trên thực tế thuế khoán cho dù hiệu quả kinh tế hơn các loại thuế khác và khá phổ biến trong quá khứ nhưng hầu như không được áp dụng trong thời hiện đại.

Bài viết trên đây của Lawkey đã cung cấp cho các bạn một cái nhìn tổng quan nhất về thuế khoán, nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán thuế vui lòng liên hệ LawKey.

>>> Xem thêm:Những vấn đề về chứng từ kế toán đối với doanh nghiệp