Phân biệt cổ phiếu và trái phiếu theo pháp luật hiện hành

Cổ phiếu trái phiếu

Công ty cổ phần có thể huy động vốn bằng hình thức phát hành chứng khoán với hai loại chứng khoán phổ biến là cổ phiếu và trái phiếu. Công ty luật LawKey xin đưa ra một số thông tin giúp quý khách phân biệt được hai loại chứng khoán này.

1. Khái niệm

  • Theo khoản 1 Điều 20 Luật doanh nghiệp 2014Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Theo Điều 4 Luật chứng khoán 2019, Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
  • Theo Điều 4 Luật chứng khoán 2019, Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành.

2. Về bản chất

  • Cổ phiếu là chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ ghi nhận quyền sở hữu đối với một phần vốn điều lệ công ty. Người sở hữu cổ phiếu có thể được hưởng cổ tức được chia không cố định phụ thuộc kết quả kinh doanh của công ty.
  • Trái phiếu là chứng chỉ ghi nhận nợ của tổ chức phát hành và quyền sở hữu đối với một phần vốn vay của chủ sở hữu. Người sở hữu trái phiếu được trả một tỷ lệ lãi suất nhất định không phụ thuộc kết quả kinh doanh của công ty.

3. Thẩm quyền phát hành

  • Đối với trái phiếu: công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn đều có quyền phát hành trái phiếu
  • Đối với cổ phiếu: chỉ có Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phiếu; công ty trách nhiệm hữu hạn không có quyền phát hành cổ phiếu.

4. Nguồn trả lãi của doanh nghiệp

  • Với trái phiếu: Chi phí lãi từ trái phiếu phải trả cho trái chủ là chi phí trước thuế, được khấu trừ khi tính thuế.
  • Với cổ phiếu: Nguồn trả cổ tức là phần trích từ lợi nhuận sau thuế.

5. Tư cách chủ sở hữu

  • Người sở hữu cổ phiếu được gọi là cổ đông của công ty cổ phần
  • Người sở hữu trái phiếu không phải là thành viên hay cổ đông của công ty, họ trở thành chủ nợ của công ty.

6. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu

  • Với cổ phiếu: Người sở hữu cổ phiếu của công ty cổ phần trở thành cổ đông của công ty và tùy thuộc vào loại cổ phần họ nắm giữ, họ có những quyền khác nhau trong công ty. Người sở hữu cổ phiếu của công ty cổ phần được chia lợi nhuận (hay còn gọi là cổ tức), tuy nhiên lợi nhuận này không ổn định mà phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. họ có quyền tham gia vào việc quản lý và điều hành hoạt động của công ty, tham gia biểu quyết các  vấn đề của công ty, trừ cổ đông ưu đãi cổ tức và cổ đông ưu đãi hoàn lại không được dự họp Đại hội đồng cổ đông và biểu quyết các vấn đề của công ty. Cổ động nói chung có quyền biểu quyết tại Đại hội cổ đông, quyền đề cử, ứng cử cũng như tham gia hoạt động của công ty.
  • Với trái phiếu: Người sở hữu trái phiếu do công ty cổ phần phát hành được trả lãi định kì, lãi suất ổn định, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Trái chủ không có quyền biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, không có quyền đề cử, ứng cử cũng như tham gia vào các hoạt động của công ty.

7. Thời gian sở hữu

  • Cổ phiếu: Không có thời hạn cụ thể, không có tính hoàn trả trực tiếp; phụ thuộc vào ý chí quyết định của chủ sở hữu cổ phiếu.
  • Trái phiếu: Thời hạn của trái phiếu được ghi xác định trong trái phiếu, có thể ngắn hạn hoặc dài hạn và trái phiếu được hoàn vốn.

8. Hệ quả của việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu

  • Cổ phiếu: Sau khi cổ phiếu phát hành sẽ làm tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần và thay đổi cơ cấu cổ phần của các cổ đông hiện hữu.
  • Trái phiếu: Kết quả của việc phát hành trái phiếu sẽ làm tăng vốn vay, nghĩa vụ trả nợ của công ty nhưng không làm thay đổi cơ cấu cổ phần của các cổ đông hiện hữu.

9. Thanh toán khi công ty phá sản hoặc giải thể

Khi công ty phá sản/giải thể, trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước cổ phiếu. Cổ phiếu được thanh toán sau cùng sau khi đã thanh toán hết các nghĩa vụ khác.

Trên đây là những thông tin cơ bản nội dung phân biệt Cổ phiếu và Trái phiếu mà LawKey gửi tới bạn đọc. Nếu có bất kì thắc mắc hay tư vấn về dịch vụ thành lập công ty, hãy liên hệ với công ty luật LawKey để được tư vấn và hỗ trợ thêm.