06 Trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh rượu

06 trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh rượu

06 trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh rượu theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP là bao gồm những trường hợp như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi?

Hãy cùng tư vấn luật Lawkey giải đáp những nội dung trên qua bài viết này:

06 trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh rượu:

Theo Khoản 1 Điều 33 Nghị định 105/2017/NĐ-CP thì 06 trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh rượu bao gồm:

+ Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp giấy phép;

+ Không còn đáp ứng đủ hoặc không thực hiện đúng các điều kiện quy định;

+ Chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh;

+ Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền;

+ Thương nhân đã được cấp giấy phép nhưng không hoạt động trong thời gian 12 tháng liên tục.

+ Vi phạm các quy định tại Điều 7 của Nghị định 105/2017/NĐ-CP.

Trong đó:

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh rượu:

Tùy từng loại giấy phép mà sẽ có những mục hồ sơ riêng, nhưng nhìn chung các bộ hồ sơ sẽ bao gồm:

+ Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo Mu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này.

+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh.

+ Các loại giấy tờ khác tùy từng loại Giấy phép.

Nếu có sự giả mạo, những loại giấy tờ kể trên để được cấp giấy phép thì cơ sở sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh rượu.

>>> Xem thêm: Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh rượu

Các điều kiện về kinh doanh rượu theo quy định:

Về cơ bản các điều kiện kinh doanh rượu theo quy định là:

+ Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

+ Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.

Các quy định tại Điều 7 Nghị định 105/2017/NĐ-CP:

+ Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này.

+ Sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu,

+ Cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu.

+ Trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

+ Bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động.

+ Quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.

Thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh rượu:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định 105/2017/NĐ-CP thì cơ quan nhà nước cấp giấy phép có thẩm quyền thu hồi giấy phép đã cấp.

Theo đó thẩm quyền cấp giấy phép được quy định như sau:

+ Bộ Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô từ 03 triệu lít/năm trở lên và Giấy phép phân phối rượu;

+ Sở Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô dưới 03 triệu lít/năm và Giấy phép bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

+ Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép bán lẻ rượu và Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

+ Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thì có quyền cấp sửa đổi, bổ sung và cấp lại giấy phép đó.

Trên đây là những tư vấn của Lawkey về 06 trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh rượu.

>>> Xem thêm: Thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke