Các trường hợp được điều chuyển lao động

Các trường hợp được điều chuyển lao động nào được Bộ luật lao đồng 2012 quy định? Các vấn đề liên quan như thời gian điều chuyển, mức lương khi điều chuyển như thế nào?

Tư vấn luật Lawkey xin trả lời như sau:

Các trường hợp được điều chuyển lao động

Theo Khoản 1 Điều 31 Bộ luật lao động 2012 và Khoản 1 Điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì các trường hợp NSDLĐ được quyền tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với hợp đồng lao động bao gồm:

+ Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh;

+ Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

+ Sự cố điện, nước;

+ Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi của NLĐ khi NSDLĐ lấy nhu cầu sản xuất, kinh doanh làm lý do thuyên chuyển công tác, Khoản 2 Điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP này cũng quy đinh: “NSDLĐ quy định cụ thể trong nội quy của doanh nghiệp trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà NSDLĐ được tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với hợp đồng lao động”. Như vậy, tạm chuyển NLĐ làm công việc khác vì lý do này bắt buộc phải thuộc các trường hợp nội quy doanh nghiệp quy định.

Thời gian thực hiện điều chuyển lao động

Khoản 3 Điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định:

NSDLĐ đã tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với hợp đồng lao động đủ 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, nếu tiếp tục phải tạm thời chuyển NLĐ đó làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì phải được sự đồng ý của NLĐ bằng văn bản.

Điều khoản này tạo nên sự hợp lý trong thực tiễn hiện nay, nhiều doanh nghiệp lấy các lý do điều chuyển lao động nhằm lách luật, không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng lao động, đồng thời cũng bảo về NLĐ khi bị điều chuyển đi làm tại nơi không thỏa thuận trong hợp đồng với một khoảng thời gian dài. Nếu NSDLĐ muốn NLĐ của mình đi làm công việc khác trong thời gian nhiều hơn 60 ngày, bắt buộc phải có sự đồng ý bằng văn bản của NLĐ. Chính quy định này tạo nên sự khách quan, công bằng và dân chủ cho điều luật, nhằm thực hiện đúng tinh thần của pháp luật lao động là bảo vệ quyền lợi NLĐ lên hàng đầu.

Tiền lương khi tạm chuyển NLĐ sang làm công việc khác:

Khoản 3 Điều 31 Bộ luật lao động 2012 quy định:

NLĐ làm công việc theo quy định tại Khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Nguyên tắc tính tiền lương của công việc mới là:

+ Bằng hoặc cao hơn mức lương công việc cũ;

+ Nếu thấp hơn mức lương công việc cũ thì tiền lương mới được tính như sau:

Tiền lương mới = (tiền lương 1 ngày làm công việc cũ x 30 ngày ) + ( 85% x tiền lương 1 ngày làm công việc cũ x số ngày còn lại).

Trên đây là nhữn chia sẻ của Lawkey về các vấn đề liên quan đến các trường hợp được điều chuyển lao động